Nhà đầu tư sẽ thất vọng nếu đầu cơ chờ cú bứt tốc của
BĐS Hà Nội trong năm 2017
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ không có những cú ‘bứt tốc’ như những năm trước mà thay vào đó là sự ổn định và có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2018, một chu kỳ thị trường mới sẽ bắt đầu.
Nhà đầu tư thất vọng mong chờ cú bứt phá của BĐS Hà Nội năm 2017 |
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Thị trường BĐS nhà ở Hà Nội hướng tới 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/1, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, năm 2016 thị trường bất động sản bộc lộ nhiều tồn tại, điều này đang là thách thức cho sự phát triển chung trong năm 2017 và các năm tiếp theo như: tình trạng phát triển thiếu quy hoạch, đặc biệt không có chương trình, kế hoạch để cân đối cung – cầu cũng như chuẩn bị nguồn lực phù hợp để phát triển thị trường.
Một số địa phương cấp phép đầu tư chưa căn cứ vào nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thị trường thiếu vắng các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở thương mại giá trung bình và thấp, thiếu sản phẩm bất động sản cho thuê…
Theo nhận định của chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong năm 2017 và sang đến năm 2018, tốc độ của nguồn cung mới cho phân khúc hạng sang và cao cấp được bổ sung vào thị trường có thể chậm lại khi tâm lý thị trường giảm nhiệt.
"Xét về nhu cầu, thị trường bất động sản sẽ ổn định trong năm 2017 và có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2018, một chu kỳ thị trường mới sẽ bắt đầu. Nguồn cung cấp nhà ở cao cấp giảm chủ yếu do khan hiếm các diện tích đất có vị trí đẹp và do thị trường đi xuống", ông Nam cho biết.
Cũng tại hội nghị ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ không có những cú ‘bứt tốc’ như những năm trước mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển chiều sâu và sinh lời bền vững.
Cũng theo ông Hà, bên cạnh các thuận lợi vẫn không tránh khỏi thách thức. Đó là, năm 2017, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo đúng lộ trình của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước).
Thực tế, nguồn vốn tín dụng luôn được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS với ước tính cơ cấu vốn chiếm 70%- 80% giá trị. Năm 2017, nguồn vốn này có thể gặp khó khăn và thu hẹp hơn nhiều so với năm 2015-2016 do khó khăn về nguồn vốn trung và dài hạn trong khi các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017.
Ông Hà cũng cho biết, còn một “ẩn số” là định hướng về quy định đánh thuế sở hữu nhà từ cái thứ hai, thứ ba trở đi mới chỉ là định hướng nhưng trong tương lai việc đánh thuế này là tất yếu và nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu.
Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia khuyến cáo phải tăng thuế nhà đất đối với các khu vực đô thị, các thành phố lớn, vì người dân ở đây đều được hưởng các hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn khu vực nông thôn. Phải đánh thuế cao để tái đầu tư công trình ngay tại đó và san sẻ cho các khu vực thiệt thòi khác. Chính điểm này cũng sẽ là rào cản đối với thị trường BĐS nhà ở.
Thêm nữa, xét về toàn cục, gồm cả BĐS nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, tài sản có giá trị 5-7 tỷ đồng thậm chí hàng chục tỷ đồng đang tăng lên và có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị trường. Ngoài ra, tình trạng một số doanh nghiệp BĐS đang được nhận nguồn vốn tín dụng lớn và huy động rất nhiều nguồn vốn xã hội (trong đó có nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp) cũng là những nhân tố tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Đây là biến số tác động đến thị trường BĐS trong chu kỳ 2017-2021.